Theo kết quả điều tra, không nhiều doanh nghiệp có bộ phận PR riêng (chiếm 20% trong số doanh nghiệp được hỏi), nếu có thì lượng nhân viên trung bình là 2 người, có công ty chỉ có một nhân viên PR, 60 % doanh nghiệp ghép PR chung với phòng Marketing. 20% doanh nghiệp cho biết người thực hiện công tác PR của doanh nghiệp không ai khác chính là giám đốc [Bảng 11, Phụ lục 1], vì những doanh nghiệp này quan niệm làm PR là đi “quan hệ” , đi “ngoại giao”. Họ không đầu tư sáng tạo để đưa ra những chương trình, hoạt động, sự kiện thật sự hấp dẫn, không lưu tâm đến việc chấn chỉnh mọi quy trình trong công ty, cái thiện việc chăm sóc nhân viên, chăm sóc khách hàng. Khi cần tổ chức bất kỳ hoạt động nào, công ty đó sẽ thuê ngoài. Chính vì không người phụ trách PR để có sự chuẩn bị lường trước mọi tình huống xảy ra, nên nguy cơ sảy ra các sự cố, khủng hoảng gây thiệt hại cho doanh nghiệp là rất lớn.
Về nguồn nhân lực cho hoạt động PR, đây thực sự là vấn đề vừa yếu vừa thiếu. Theo một cuộc nghiên cứu, trong số 1600 nhân viên PR được hỏi, chỉ khoảng một nửa trong số họ được đào tạo chính thức qua các khóa học ngắn hạn về PR hoặc một chút trong chương trình giảng dạy Marketing tại các trường đại học. Về đào tạo dài hạn, hiện chưa có sinh viên ngành PR nào ở Việt Nam tốt nghiệp hệ chính quy chuyên ngành PR. Chỉ từ năm 2006, Phân viện báo chí và Tuyên truyền mới tuyển sinh học viên ngành PR khóa đầu tiên, số các trung tâm đào tạo PR có chất lượng đếm trên đầu ngón tay. Chính vì thế, kiến thức chuyên môn của các cán bộ PR chủ yếu dựa trên việc tự học, chưa có hệ thống, thiếu các kỹ năng cần thiết để làm PR một cách chuyên nghiệp. Bản thân doanh nghiệp cũng không chú ý đến việc đào tạo và nâng cao nghiệp vụ PR cho nhân viên, ở đa phần công ty, PR thường chỉ được coi là quan hệ đối ngoại và thuộc công việc của bộ phận hành chính, nhân sự, hoặc thư ký, trợ lý giám đốc, hoặc ghép chung với phòng Marketing.