Những nhà quản lý trẻ thường rất giàu nhiệt huyết và óc sáng tạo, họ biết khai thác thế mạnh của mình nên uy tín thương hiệu được nâng cao.
Có đến 64% doanh nghiệp sử dụng giao tiếp cá nhân của lãnh đạo để xây dựng thương hiệu. Sở dĩ các chủ doanh nghiệp không tiếp xúc với công chúng một cách rất thường xuyên để xây dựng thương hiệu vì họ cho rằng có nhiều công cụ khác có thể hỗ trợ họ, nên không phải trực tiếp xuất hiện. Nhưng khi có khủng hoảng xảy ra, nhà lãnh đạo trở thành người phát ngôn cho doanh nghiệp và phát huy hết vai trò của mình nên mức độ “rất thường xuyên” trong giao tiếp cá nhân để bảo vệ thương hiệu tăng cao hơn hẳn (32%) so với khi quảng bá thương hiệu (14%). Ngoài ra, việc người phát ngôn xuất hiện trước công chúng cũng là những lần nhắc nhở công chúng nhớ tới thương hiệu.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của giao tiếp cá nhân trong quảng bá thương hiệu, tất cả các doanh nghiệp đều đánh giá cao hoạt động giao tiếp cá nhân. Chỉ có 14 % đánh giá giao tiếp cá nhân ở mức độ trung bình, còn lại 86 % cho rằng nó cần thiết (41%) và rất cần thiết (45 %) [Bảng 7, Phụ lục 1].
Một trong những nhược điểm lớn của Doanh nghiệp Việt Nam đó là vai trò của người phát ngôn trong khủng hoảng. Khi khủng hoảng xảy ra, doanh nghiệp thường có động thái trốn tránh và người phát ngôn của doanh nghiệp nhiều khi không trung thực, bao biện, che giấu sự thật. Vẫn có 5% lãnh đạo không bao giờ xuất hiện trước công chúng ngay cả khi khủng hoảng xảy ra. Điều này rất có khả năng ảnh hưởng xấu đến dư luận và cảm tình của công chúng dành cho doanh nghiệp.